TĂNG CƯỜNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG QUẢN TRỊ ĐÀO TẠO NGHỀ

20/09/2023 - 08:43 PM - 237 lượt xem
       “Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo, trường chúng tôi tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, chú trọng số hóa hoạt động của nhà trường, bảo đảm chất lượng, sáng tạo, linh hoạt trong dạy và học, gắn sát với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động” - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội Phạm Quang Vinh nhấn mạnh khi trao đổi cùng phóng viên Báo Hà nội mới.
 
       - Thưa ông, một nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là phải triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ông có thể cho biết thực tế triển khai nhiệm vụ quan trọng này tại Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội ra sao?
Không có mô tả ảnh.
       Ông Phạm Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội 
 
       - Thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội (địa chỉ tại số 28, tổ 47, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) luôn đề cao việc chuyển đổi số trong quản trị, phát triển, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, bảo đảm kết nối, khai thác phục vụ xử lý thông tin theo yêu cầu quản lý, quản trị. Là trường công lập thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội với bề dày truyền thống gần 50 năm, chúng tôi đã và đang từng bước tiến hành số hóa hoạt động của nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, bảo đảm chất lượng dạy học trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, chú trọng phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, triển khai việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số. Đặc biệt, hoạt động đào tạo của trường luôn gắn sát với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.      
       Do kinh phí hoạt động trường nghề không nhiều nên chúng tôi luôn phải cân nhắc sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Đơn cử như áp dụng việc đào tạo trực tuyến trên nền tảng Canvas, mã mở, chi phí không lớn, nhưng đòi hỏi mỗi giáo viên đều phải chủ động thay đổi hoàn toàn cách dạy và học, xây dựng nội dung đào tạo sát thực tiễn, linh hoạt và sáng tạo, tiếp cận ngày càng gần hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mời các chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy, rèn nghề cho sinh viên qua quá trình thực tập ngay tại doanh nghiệp. Một mặt tăng cường tập huấn, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các phương pháp dạy và học mới cho giảng viên, mặt khác, chúng tôi đề cao hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo, hướng tới cá nhân hoá việc học tập.
       - Với việc hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo nghề, công tác tuyển sinh đã có bước chuyển như thế nào, thưa ông?
       - Chỉ tiêu trường chúng tôi được giao năm 2023 là tuyển sinh gần 1.000 học sinh, sinh viên. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị mở thêm 3 ngành mới, chú trọng đào tạo ngoại ngữ và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, du học nghề có lương. Trường cũng cam kết học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, ngay sau khi nhập học, nhiều em đã có cơ hội có việc làm và thu nhập. Với những hướng đi như vậy, chúng tôi phấn đấu tuyển sinh 1.200 học sinh, sinh viên trong năm 2023.
       - Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, nhà trường sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?
       - Nhờ hàng loạt chính sách quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chưa bao giờ đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có nhiều cơ hội lựa chọn học tiếp như bây giờ. Cánh cửa học nghề đang mở rộng cho các em. Chỉ cần mỗi học sinh và gia đình các em có thái độ tích cực trong nắm bắt thông tin, tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín, lựa chọn những ngành nghề phù hợp khả năng của từng em, cơ hội học nghề, du học nghề, có việc làm trong doanh nghiệp FDI hoặc đi xuất khẩu lao động đều nằm trong tầm tay.
       Do đó, thách thức lớn nhất trong khâu tuyển sinh vẫn là tạo bước chuyển về nhận thức xã hội đối với việc học nghề, dạy nghề, đào tạo nghề - vốn đòi hỏi phải có quá trình chứ không dễ thay đổi “một sớm một chiều”. Về phía trường Trung cấp nghề cơ khí I, chúng tôi chủ động nâng sức hút đối với học sinh, sinh viên bằng việc tăng cường kết nối cái nhà trường có với cái doanh nghiệp cần, thông qua quá trình chuyển đổi số, không ngừng thay đổi cách thức tuyển sinh và đào tạo, đáp ứng nhu cầu của nhau. Hiện nay, trường chúng tôi có quan hệ chặt chẽ với hàng trăm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh… Học sinh nhà trường được đào tạo nghề gắn liền với thực tiễn làm việc ngay tại các doanh nghiệp để có cơ hội học tập và việc làm sớm nhất, mang lại sự hài lòng cho cả doanh nghiệp và người học.
       - Qua thực tiễn hoạt động, ông nghĩ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần sự hỗ trợ gì để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề?
       - Theo quy định hiện nay, đơn vị sự nghiệp công muốn có quyền tự chủ cao trong hoạt động phải thuộc nhóm đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1). Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mạnh hiện nay mới chỉ tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2), chứ khó tự chủ chi đầu tư, bởi khác với đào tạo đại học, nguồn thu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ học phí của học sinh, sinh viên rất hạn chế.
       Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp là đầu tư cho an sinh xã hội, mang lại nguồn lao động dồi dào và có kỹ năng nghề chất lượng cao cho nền kinh tế. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư trang bị cơ sở vật chất, mở rộng quy mô hoạt động. Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế, mong rằng sẽ có cơ chế đặc thù, để những cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc nhóm 2 như trường chúng tôi được hưởng quyền tự chủ như với các đơn vị sự nghiệp công của nhóm 1, qua đó, được tự chủ cao trong hoạt động, giảm bớt các thủ tục trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, mời chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng, tác động đúng chỗ, đúng lúc chắc chắn sẽ giúp hoạt động của các trường nghề thay đổi, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề chất lượng cao cho doanh nghiệp và thị trường lao động.
       - Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện./.
Mai Hoa (Phóng viên báo Hà Nội mới) thực hiện